Tập san ''Ký ức 65 năm''

''Tập thể học sinh chủ nghĩa xã hội'' đầu tiên - Lê Hoành Phò, Cựu sinh viên Khóa 1975 - 1979

 

"TẬP THỂ HỌC SINH XÃ HỘI CHỦ NGHĨA" ĐẦU TIÊN

Lê Hoành Phò

                                                           Cựu SV Khoá 1975 – 1979

 

 

          Lứa sinh viên chúng tôi khá đặc biệt, đa số sinh năm 1957, cùng tuổi với Trường và Khoa! Vào trường năm 1975 lịch sử và ra trường vào năm 1979 khi biên giới bị xâm lăng! Đó là ngôi trường sư phạm tuyệt đẹp ở ngay đầu cầu Trường Tiền, bên dòng Hương Giang thơ mộng! Ngôi trường hình chữ NHÂN, xây dựng trên khuôn viên Toà Khâm sứ Trung kỳ cũ của Pháp, do Khôi nguyên La mã, KTS Ngô Viết Thụ tài hoa thiết kế, mang ý nghĩa nghề nghiệp trồng người! Khoá 75-79 của chúng tôi khá đủ thành phần: bộ đội về, học sinh miền Bắc vào, dân Khoa học, Luật khoa thi chuyển sang, con em quân dân chính quyền cũ ở miền Trung... Bạn mới, trước lạ rồi sau cũng dần quen, cùng làm theo khẩu hiệu nổi tiếng từ xưa, được đặt ngay lối lên cầu thang xoắn đẹp độc đáo: “Trường học là mái nhà thứ hai của chúng ta”!

 

            Mỗi lần nhớ lại thuở sinh viên, chúng em không thể quên quý Thầy đã giảng dạy, truyền nghề cho chúng em. Trong Miền Nam có thầy Lê Thanh Hà dạy Đại số, thầy Lê Tự Rô dạy Giải tích, thầy Lê Tự Hỷ thỉnh giảng dạy Quy hoạch tuyến tính, thầy Trần Văn Thọ dạy Nhiệt học, thầy Nguyễn Tư Trừng dạy tiếng Anh... Các thầy từ Miền Bắc chuyển vào gồm thầy Lê Đình Phi, hiệu phó, dạy Hình học cao cấp, thầy Võ Tiếp chủ nhiệm khoa dạy nhiều môn của Giải tích, thầy Trần Khánh Hưng chủ nhiệm lớp dạy Hình học sơ cấp, thầy Nguyễn Văn Bàng dạy Phương pháp, thầy Nguyễn Xuân Tuyến dạy chuyên đề... Các thầy đều lớn tuổi, mỗi người mỗi phong cách, trình độ chuyên môn cao, tâm huyết và có rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp.

        Lớp chúng tôi là "Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa" đầu tiên của Khoa Toán, với lớp trưởng lãnh đạo là anh Hoàng Văn Ngô, lớp phó là hai bạn Nguyễn Thanh, Đinh Ngọc Niệm và bí thư Chi đoàn là bạn Hoàng Ngọc Vĩnh, anh nuôi số zách kiêm diễn viên múa tài ba. Đặc biệt, vị "chính uỷ" lớp là anh Thái Huy Bích lớn tuổi nhất. Năm thứ nhất, lớp được chia thành 4 tổ, với các tổ trưởng lần lượt là các bạn Trương Anh, Dương Văn Đức, Hồ Văn Minh và tôi. Lên năm thứ hai, lớp được tách thành 5 tổ, với bạn Lê Văn Hạp làm tổ trưởng tổ 5. Đây là người bạn hiền lành, học cao, từng làm chủ nhiệm khoa, là bạn tri kỷ của tôi và chúng tôi ở gần nhà nhau. Lớp ban đầu chỉ có một nữ duy nhất như các lớp toán đàn anh, đó là người đẹp Quỳnh Tiên. Nàng thường có những cú háy nguýt lạnh người đối với bọn con trai chúng tôi! Sau đó, lớp có thêm các bạn nữ ở phía Bắc chuyển vào, nhưng do học hệ mười năm nên rồi bỏ lớp dần dần. Đến năm thứ ba, lớp có thêm vũ công Việt Nga, anh Cao Danh (bộ đội) chuyển vào. Nhớ mãi bọn con trai, cứ tìm cách tán tỉnh, chọc ghẹo các nàng, nhất là những bạn nữ mới chuyển vào: bạn Thu Hà hiền khô, bạn Thu Thuỷ trắng hồng hay cười, hoa khôi Lệ Thuỷ mắt to đen láy.... Hồi những năm 75, 76 đó, mấy nàng nhỏ hơn 2 tuổi, luôn đồng phục áo hoa và quần đen, cột tóc bện tít hai đuôi. Vui nhất là các nàng nói rất nhanh với nhau, những từ như “thủng”, khác lạ như từ “cậu” dù con gái với nhau...

     Chúng tôi nay cũng đã U70 nhớ nhớ quên quên, thường bâng khuâng chuyện cũ. Buồn và rất nhớ khuôn mặt các bạn ra đi quá sớm vì sốt rét Tây nguyên, bệnh tật hay tai nạn: Hoàng Văn Thiên, Hoàng Đức Hải, Đoàn Dũng, Nguyễn Ninh, Trần Thành, Lê Văn Hạp, Võ Quyền... Và, còn mấy bạn lớp chúng tôi nữa, đến nay chẳng có liên lạc, không rõ bây giờ sống thế nào. Lớp toán 75-79 có những bạn thành đạt, học hàm học vị cao, hiệu phó, hiệu trưởng hay làm quan chức to cấp huyện, cấp tỉnh, song cũng có bạn tà tà chậm tiến như tôi. Mấy chục năm trong nghề, cũng chỉ là “người giáo viên nhân dân” cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Xin lỗi các bạn nay đã là ông bà nội ngoại, ngày đó tụi lớp mình hay gọi phân biệt các bạn trùng tên, với các tên vui như Hùng hí, Hùng đen, Hùng tạ, nào Dũng xì ke, Dũng cà phê, nào Hải lông, Hải lác, Anh mập, Anh du kích... Và không thể không nhắc đến tài năng lẻ của lớp, ngoài Vĩnh, Nga nghệ sĩ múa, còn có tiếng hát của Võ Thành, Công Thạnh, những cú dập bóng chuyền của Võ Quyền, thủ môn tài ba Trần Thành...

         Nhớ lại mấy ngày đầu tập trung ở Viện Đại học Huế sau 1975, gần phía Ga rồi về giảng đường Karate của Đại học Sư phạm, khi đó chúng tôi thật hạnh phúc và hồi hộp. Ai ở miền Nam đều lo lắng vì chỉ mới qua tạm một cửa lý lịch địa phương mà thôi. Hồi đó giảng đường to lớn nhất xứ Huế là giảng đường Canada, phía góc khuôn viên nhà trường hai mặt tiền, đang xây dựng dỡ dang. Đại học Sư phạm Huế về sau được mở rộng, thêm khuôn viên Trường trung học Kiểu mẫu, để tạo thành cặp đôi chữ NHÂN bề thế. Bây giờ, trở lại trường xưa, nhiều thế hệ sinh viên nhìn toà nhà khu hiệu bộ cao tầng xây mới có dòng chữ tên trường tuy hiện đại, cơ sở thuận lợi song khá lạc điệu với hai toà nhà chữ NHÂN.

 

        Giai đoạn 75 – 79 thật khó khăn. Đó là giai đoạn của tem phiếu, cơm độn, mỳ sợi bo bo. Giấy vở, giấy kẻ ngang còn nhiều vệt bã mía, viết lơ mơ là hỏng bút. Bút bi phải bơm mực đi bơm mực lại nhiều lần, nếu dùng bút máy Hồng Hà, bơm mực mà tiết kiệm pha loãng thêm nước thì hỡi ôi, mùi hôi thối không chịu nỗi! Dân cư xá Đội Cung, nội quy ăn uống ngủ nghỉ rất nghiêm túc. Khi sắn khoai là sâm bổ thì thâm cung bí sử chắc còn nhiều tập nữa mà tôi ở bên ngoài cùng gia đình chẳng rõ lắm! Lương thực sinh viên là ưu tiên số một, với 17 cân, học bổng 22 đồng cho nam, riêng phe chị em ta có thêm 5 hào băng bó! Các khẩu hiệu khi học chính trị được nghe mãi nên thuộc lòng đến giờ: “Phát huy quyền làm chủ của.... tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng.... trong đó cách mạng công nghiệp là then chốt!”. Còn nữa, bốn năm học quân sự với lăn lê bò toài, tập bắn súng ném lựu đạn, đội hình đội ngũ ở sân trường và bên bờ sông Hương, làm cho mấy đứa chúng tôi đều đổi màu da thành rám nắng cháy. Thêm chuyện đi lao động "góp phần ra con người mới" nữa. Việc đi đào hố trồng cây phượng vỹ ở Tây Lộc, cửa An Hoà, trồng thông trên núi Ngự Bình (cớ sao hồi ấy ta không lãng mạn, ghi dấu tích gì của mình vào các thân cây đó nhỉ?!) chẳng thấm gì so với cuộc hành quân bộ về giúp dân gặt lúa ngập nước hai tuần ở Thuỷ Phương. Hồi đó, cả lớp ngủ trong đình làng. Sáng dậy đi đào kênh thủy lợi Đồng Đưng, ngày này qua ngày khác, bong tay chảy máu, khiêng sọt đất đào từ đáy kênh lên cao vút mà đỗ trẹo cả xương sống.. Chưa hết, có mấy lần đi tàu lửa ra tuốt nông trường Tân Lâm, xa những 100km để lao động bẻ ngô, trồng dứa. Từ ga Đông Hà đi lên phía đường 9, mùa hè gió Lào nóng bỏng như rang, còn mùa lạnh thì tê tái sương núi. Trồng dứa trên các đồi đất đỏ bazan màu mỡ, còn bẻ ngô thì qua phía những ngọn núi đá vôi khô cằn. Tân Lâm gắn với ngọn đồi 241 Quảng Trị, cứ điểm chiến tranh nổi tiếng hiểm nguy với đầy bom mìn, vỏ đạn pháo của Mỹ chất cao mấy núi, nhìn rất khiếp! Đào rảnh trồng dứa, ai cũng sợ đụng vào... thành liệt sỹ! Hồi đó gian khổ nhưng mà vui, chẳng may “vô ý” đụng trái dứa chín để nó rụng rơi, sẽ được thưởng thức dứa mọng tuyệt ngon ngọt. Còn thêm những chuyến dã ngoại đến dòng suối La La, Cam Lộ mát lạnh với những viên sỏi to trắng ngần tuyệt vời. Thật lãng mạn! kỷ niệm chẳng dễ gì có được!

      Giờ tôi vẫn nhớ mãi nỗ lực vượt qua khó khăn thiếu thốn của các bạn trong lớp, nhớ những tấm gương các bạn tự học, tự nghiên cứu, tham gia seminar... Chúng tôi chăm chỉ đi thư viện Viện Đại học Huế, phía công viên Tứ Tượng, tuy “cày” chậm vì sách toàn tiếng Anh, tiếng Pháp trước 75 còn lại, nhưng chúng tôi học rất say sưa. Đặc biệt, một lần đầu năm thứ hai, cả lớp hồ hỡi kéo nhau vô công ty sách trong thành nội để mua chồng sách Toán bằng tiếng Việt. Với số tiền khủng bằng 1,5 lần học bổng tháng, chúng tôi mua được những tài liệu quan trọng và cần thiết nhất!

         Tất cả bốn năm học nghề dạy học ở Huế giờ chỉ còn là hoài niệm với chúng tôi. Những tháng năm tuổi trẻ, vui buồn, hạnh phúc, khổ cực nơi sông Hương núi Ngự, dưới mái trường Sư phạm Huế thân yêu mãi là những kỷ niệm đẹp theo cùng năm tháng! Hãy cùng nhau đốt lên một nén hương lòng kính nhớ quý Thầy dạy dỗ đã khuất, các bạn hữu mình đã sớm ra đi. Mùa hè năm 1979 đó, chúng tôi chia tay trong bùi ngùi và lo lắng. Khẩu hiệu treo hai bên sân khấu trong đêm lễ ra trường ở giảng đường Canada: "Ngày mai tung cánh muôn phương, Ơn thầy nghĩa bạn tình trường không quên!”. Các bạn mến thương ơi! Khoa Toán - ngôi nhà thứ hai của chúng ta - đang trông chờ những đứa con xa trở về hạnh ngộ sau 65 mùa thi đã qua.

Nguồn: Khoa Toán học
tranquanghoa post: 2022-03-31 7:32:18 PM

Bài viết liên quan


Right menu loadding...
0
Thành lập từ năm
0
GV trình độ GS/PGS/TS
0
Nghiên cứu sinh
0
Bài báo WoS năm 2023
0
Tài liệu nội sinh
0
Bằng khen (Thủ tướng, Bộ GD&ĐT)